Tài sản cố định và cách phân loại tài sản cố định trong doanh nghiệp

Tài sản cố định là gì, một thuật ngữ thường xuất hiện trong bảng cân đối kế toán mà các kế toán viên thường gặp khi thực hiện công việc của mình. Có thể nói, đây được coi như một thành phần khá quan trọng thuộc phần tài sản.

1. Tài sản cố định là gì?

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh có giá trị lớn, tham gia nhiều chu kỳ sản xuất, tài sản cố định thường được nhắc đến như một tư liệu lao động chuyên dùng.

Nói cách khác, tài sản cố định được hiểu như một loại tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng và có thời gian sử dụng, thu hồi, luân chuyển từ 01 năm trở lên.

Điều 3, TT 45/2013/TT-BTC quy định về tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định như sau:

Tư liệu lao động được coi là tài sản cố định nếu thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn sau:

–        Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

–         Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

–       Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.


Tài sản cố định là một tư liệu lao động chuyên dùng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giá trị lớn

2. Phân loại tài sản cố định là gì ?

Pháp luật hiện nay tuy không đưa ra khái niệm thế nào là tài sản cố định song theo quy định tại, Điều 2, Thông tư 45/2013/TT-BTC tài sản cố định được phân loại cụ thể như sau:

–         Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…

–         Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh. Chẳng hạn như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…

–          Tài sản cố định thuê tài chính: là những tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.


Tài sản cố định thường được phân loại thành  TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và TSCĐ thuê tài chính

Nếu không đáp ứng được những quy định nêu trên, tất cả tài sản cố định thuê đều được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.

3. Các loại tài sản cố định trong doanh nghiệp

Điều 6, Thông tư 45/2013/TT-BTC có đưa ra quy định về các loại tài sản cố định trong doanh nghiệp. Theo đó, dựa trên mục đích sử dụng của tài sản cố định, có thể tiến hành phân loại cụ thể như sau:

3.1. Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh

Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh là những tài sản cố định do doanh nghiệp quản lý, sử dụng cho các mục đích kinh doanh của mình.

3.1.1. Tài sản cố định hữu hình gồm:

  • Nhà cửa, vật kiến trúc: là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, đường băng sân bay, cầu tàu, cầu cảng, ụ triền đà.
  • Máy móc, thiết bị: là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, giàn khoan trong lĩnh vực dầu khí, cần cẩu, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ.
  • Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn: là các loại phương tiện vận tải gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, đường không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống thông tin, hệ thống điện, đường ống nước, băng tải.
  • Thiết bị, dụng cụ quản lý: là những thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm, hút bụi, chống mối mọt.
  • Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/ hoặc cho sản phẩm. Chẳng hạn như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su, vườn cây ăn quả, thảm cỏ, thảm cây xanh…; đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, đàn bò…
  • Các loại tài sản cố định khác: là toàn bộ các tài sản cố định khác không thuộc những loại vừa nêu như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật.


Dựa trên yêu cầu quản lý của mình, doanh nghiệp có thể phân loại các tài sản cố định sao cho phù hợp

3.1.2. Tài sản cố định vô hình gồm có:

  • Quyền sử dụng đất theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 4 Thông tư này;
  • Quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm;
  • Kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;
  • Kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
  • Bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại;
  • Chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, vật liệu nhân giống.

3.2. Tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng

Bên cạnh tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh, căn cứ theo mục đích sử dụng, doanh nghiệp còn có tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, an ninh, quốc phòng.

Đó là những tài sản cố định do doanh nghiệp quản lý sử dụng cho các mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng trong doanh nghiệp.

3.3. Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ

Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ được hiểu là những tài sản cố định mà doanh nghiệp bảo quản hộ, giữ hộ cho đơn vị khác hoặc cất giữ hộ Nhà nước theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Trên thực tế, doanh nghiệp có thể phân loại các tài sản cố định là gì của mình một cách chi tiết hơn sao cho phù hợp, tuỳ theo yêu cầu quản lý của từng doanh nghiệp. Muốn biết thêm nhiều thông tin tham khảo http://hopdongdientu.net.vn/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*