Tài sản là gì và những điều cần biết về tài sản

“Tài sản” thường được nhắc đến không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà còn là một vấn đề được khá nhiều người quan tâm khi tìm hiểu các khái niệm về tài chính. Vậy tài sản là gì và quy định của pháp luật Việt Nam về tài sản ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây từ Iasset.

1.     Khái niệm Tài sản

Tài sản là gì ?Đến nay vẫn chưa có một khái niệm chính xác về tài sản. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một trong những cách định nghĩa dưới đây để nắm được một cách khái quát Tài sản là gì? Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (2010), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, trang 127: “Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc mục đích tiêu dùng”.

Trong khi đó, theo Điều 105, Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), tài sản được đề cập như sau:

 “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Xét trên phương diện tài chính – kinh tế, tài sản là một dạng nguồn lực có giá trị kinh tế, do quốc gia/ doanh nghiệp/ cá nhân sở hữu và kiểm soát. Chúng được tạo ra/ mua bán với kỳ vọng gia tăng giá trị, phục vụ việc vận hành của những đối tượng nêu trên.

Đây cũng là yếu tố cho thấy rõ được nguồn lực kinh tế của một tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng như quyền sử dụng tài sản đó mà những cá nhân, tổ chức khác không có.

Có thể thấy, tài sản không chỉ là một thuật ngữ tài chính mà còn là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng phổ biến trong xã hội có nhà nước, có pháp luật và có tư hữu.


                        Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản

 2.       Tài sản được phân loại như thế nào?

Trên thực tế, tài sản tồn tại ở nhiều dạng khác nhau và mỗi loại tài sản lại có những đặc tính khác biệt. Cũng bởi lý do này mà việc phân loại tài sản thực sự có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động lập pháp cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật.

Theo BLDS 2015, tài sản được chia thành các loại khác nhau, dựa trên giá trị, vai trò và ý nghĩa của tài sản đối với chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và quản lý nhà nước nói chung.

2.1. Tài sản có đăng ký quyền sở hữu và tài sản không đăng ký quyền sở hữu

Đăng ký quyền sở hữu là việc  ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản một cách chính thức để làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý của chủ sở hữu tài sản đối với một tài sản nhất định.

Nói cách khác, các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản trong quan hệ dân sự sẽ được chứng thực, công nhận về mặt pháp lý bởi Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên quan đến “đăng ký tài sản”, Điều 106, BLDS 2015 có đề cập:

“Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản. 

Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.Việc đăng ký tài sản phải được công khai”.

Không chỉ gói gọn trong phạm vi quyền sở hữu đối với tài sản, giữa tài sản có đăng ký quyền sở hữu và tài sản không đăng ký quyền sở hữu còn có sự khác biệt về các quyền khác đối với tài sản. 

Theo đó, quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Cụ thể gồm: Quyền hưởng dụng; Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền bề mặt.  


Tài sản là “đại diện” cho thấy tiềm lực lực kinh tế của một tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có “vững” hay không?

2.2. Tài sản gốc, hoa lợi, lợi tức

Xét trên phương diện về nguồn gốc cũng như cách thức hình thành tài sản, có thể phân loại tài sản thành tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức.

Các thuật ngữ này được hiểu như sau:

  • Tài sản gốc: là tài sản mà khi sử dụng, khai thác công dụng thì sẽ sinh ra lợi ích vật chất nhất định.
  • Hoa lợi: là sản vật tự nhiên được mang lại từ tài sản như: trứng ra gà đẻ ra, hoa quả thu hoạch từ cây cối…
  • Lợi tức: là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản nhưng không phải do tài sản tự sinh ra. Ví dụ như: tiền lãi ngân hàng, tiền lãi từ việc đầu tư kinh doanh… 

Có thể nói, lợi tức và hoa lợi đều là những tài sản có được từ việc khai thác, sử dụng tài sản gốc.

2.3. Bất động sản và động sản

Theo Điều 107, BLDS 2015, khái niệm bất động sản và động sản được quy định cụ thể như sau: 

Bất động sản: gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng, tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Động sản: là những tài sản không phải là bất động sản.

Theo cách định nghĩa trên, đất đai cũng như các tài sản gắn liền với đất như nhà, công trình xây dựng, tài nguyên, cây cối… sẽ được coi là bất động sản. Trong khi đó, động sản sẽ là những tài sản mà không thuộc bất động sản.

Có thể phân loại như vậy là dựa trên đặc tính vật lý của tài sản là có thể di dời được hay không thể di dời và được hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới sử dụng. Việc xác lập, thực hiện giao dịch đối với hai loại tài sản này cũng không giống nhau và đều có quy phạm riêng cho từng loại.


Động sản là những tài sản không phải là bất động sản

2.4. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai

Dựa trên thời điểm hình thành tài sản cũng như thời điểm xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu, có thể phân tài sản thành 2 loại: tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Theo Khoản 1, Điều 108, BLDS 2015: “Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch”.

Đối với Tài sản hình thành trong tương lai, Khoản 2, Điều 108, BLDS 2015 có quy định như sau: “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành. Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Như vậy, tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là loại tài sản chưa tồn tại hoặc chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm hiện tại, thường là thời điểm xác lập nghĩa vụ hoặc giao dịch được giao kết. Tuy nhiên, tài sản đó chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong thời điểm tương lai.

Trên đây là một số thông tin về tài sản và phân loại tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Hy vọng sẽ đem đến thông tin hữu ích cho độc giả về vấn đề này để có thể áp dụng trong thực tiễn.

Mọi thắc mắc và tư vấn thêm về tài sản cũng như phần mềm quản lý tài sản Iasset, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ website http://hopdongdientu.net.vn/ để biết thêm nhiều thông tin chi tiết

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*