Hợp đồng ppp có những loại nào? Nội dung và nguyên tắc ký kết hợp đồng dự án PPP

Hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một mô hình hợp tác quan trọng giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạn tầng, nâng cao kinh tế và xã hội. Bài viết này sẽ chỉ ra các loại hợp đồng PPP và nội dung cơ bản của hợp đồng PPP nhằm làm rõ khung pháp lý và nguyên tắc ký kết loại hợp đồng này.

Hợp đồng PPP là gì?

1. Tổng quan về hợp đồng PPP

Trong phần này, hãy cùng tìm hiểu khái niệm hợp đồng PPP và phân loại hợp đồng PPP.

1.1 Khái niệm hợp đồng PPP

Khái niệm hợp đồng PPP được đề cập tại Khoản 16, Điều 3, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 như sau: Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản liên quan đến đầu tư, giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và cơ quan ký kết hợp đồng về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.

Trong đó, dự án PPP là một tập hợp các đề xuất liên quan đến việc đầu tư nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ công, thông qua các hoạt động như xây dựng, khai thác vận hành, cải tạo, nâng cấp… các công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.

1.2 Phân loại hợp đồng dự án PPP

Theo quy định tại Khoản 16, Điều 3, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hợp đồng dự án PPP bao gồm 7 loại.

Dưới đây là chi tiết các loại hợp đồng PPP và ví dụ về đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư ở Việt Nam:

  • Hợp đồng BOT: Build (xây dựng – Operate (kinh doanh) – Transfer (chuyển giao).

Ví dụ: Dự án Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

  • Hợp đồng BTO: Build (xây dựng) – Transfer (chuyển giao) – Operate (kinh doanh).

Ví dụ: Dự án Cầu Cần Thơ.

  • Hợp đồng BOO: Build (xây dựng) – Own (sở hữu) – Operate (kinh doanh).

Ví dụ: Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3.

  • Hợp đồng O&M: Operate (kinh doanh) – Manage (quản lý).

Ví dụ: Dự án quản lý khai thác Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

  • Hợp đồng BTL: Build (xây dựng) – Transfer (chuyển giao) – Lease (thuê dịch vụ).

Ví dụ: Dự án Nhà máy xử lý nước thải Đà Nẵng

  • Hợp đồng BLT: Build (xây dựng) – Lease (thuê dịch vụ) – Transfer (chuyển giao).

Ví dụ: Dự án Bệnh viện quốc tế Phú Thọ.

  • Hợp đồng hỗn hợp (quy định tại Khoản 3, Điều 45 của Luật này).

Ví dụ: Dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, có thể có cả yếu tố BOT và O&M trong hợp đồng thực hiện.

Ký hợp đồng PPP

2. Nguyên tắc ký kết hợp đồng PPP

Việc ký kết hợp đồng PPP phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Điều 49, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 như sau:

– Hợp đồng được ký kết dựa trên các yếu tố sau:

  1. Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư: Đây là căn cứ pháp lý để tiến hành ký kết hợp đồng.
  2. Kết quả đàm phán hợp đồng: Các điều khoản và điều kiện của hợp đồng được xác định từ quá trình đàm phán giữa các bên.
  3. Hồ sơ dự thầu còn hiệu lực: Hợp đồng dựa trên các thông tin và cam kết đã được đưa ra trong hồ sơ dự thầu, đảm bảo tính khả thi tại thời điểm ký kết.
  4. Thông tin năng lực của nhà đầu tư đã được cập nhật: Năng lực của nhà đầu tư được xem xét và cập nhật để đảm bảo nhà đầu tư đáp ứng các yêu cầu dự án tại thời điểm ký kết.
  5. Hồ sơ mời thầu: Các yêu cầu và điều kiện từ hồ sơ mời thầu cũng là cơ sở để xây dựng hợp đồng.

– Nhà đầu tư và doanh nghiệp trong hợp đồng PPP cùng hợp thành một bên (nhằm đảm bảo rằng cả nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đều chịu trách nhiệm và có quyền lợi, nghĩa vụ đối với dự án). Đồng thời, cơ quan ký kết hợp đồng ( đại diện phía nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền) đứng ra ký kết hợp đồng đối tác với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

-Trường hợp nhà đầu tư liên danh thì tất cả các thành viên liên danh đều phải trực tiếp thực hiện ký và đóng dấu (nếu có con dấu) lên hợp đồng.

3. Hợp đồng PPP có những nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 47, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, hợp đồng PPP cần phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin về địa điểm, quy mô, mục tiêu và tiến độ thực hiện dự án; Thời gian để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình; Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và thời hạn của hợp đồng.
  • Xác định tiêu chuẩn về kỹ thuật, công nghệ và chất lượng đối với các công trình, hệ thống hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ công được cung cấp trong dự án.
  • Mức đầu tư tổng thể, cơ cấu vốn, phương án tài chính, kế hoạch thu xếp vốn, giá và phí của sản phẩm, dịch vụ công; Các phương pháp và công thức được áp dụng để thiết lập hoặc điều chỉnh giá, cùng với phần vốn nhà nước trong dự án PPP (nếu có) và hình thức quản lý, sử dụng nguồn vốn đó.
  • Nêu các điều kiện liên quan đến sử dụng đất đai, tài nguyên khác, phương án xây dựng công trình phụ trợ, yêu cầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng như đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần chuẩn bị phương án xử lý trong trường hợp xảy ra bất khả kháng.
  • Bên chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin cấp phép, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý chất lượng trong suốt quá trình xây dựng, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và xác nhận hoàn thành công trình. Bên cạnh đó, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầu vào chủ yếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án.
  • Bên chịu trách nhiệm vận hành và kinh doanh công trình, hệ thống hạ tầng để đảm bảo sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp ổn định, liên tục. Quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục chuyển giao công trình, hệ thống hạ tầng.
  • Đảm bảo thực hiện hợp đồng, quyền sở hữu, quản lý và khai thác tài sản liên quan đến dự án. Quy định quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP và thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh từ bên thứ ba cho nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng.
  • Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định pháp luật dân sự, cần có kế hoạch tiếp tục thực hiện hợp đồng PPP. Đồng thời, đưa ra biện pháp xử lý, bồi thường, và hình thức xử phạt nếu một trong hai bên vi phạm các điều khoản hợp đồng.
  • Trách nhiệm bảo mật thông tin của các bên, cung cấp chế độ báo cáo định kỳ, và gửi thông tin, tài liệu liên quan; Giải trình về việc thực hiện hợp đồng khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm toán, hoặc giám sát.
  • Quy định rõ các nguyên tắc và điều kiện liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Bao gồm cả các quy định về chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên, quyền của bên cho vay, cũng như thủ tục thanh lý hợp đồng và các quyền, nghĩa vụ liên quan.
  • Xác định các chính sách ưu đãi, biện pháp bảo đảm đầu tư, phương án chia sẻ phần tăng hoặc giảm doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ và các loại bảo hiểm nếu có.
  • Nêu rõ hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng và các cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Nhìn chung, hợp đồng PPP đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để thực hiện các dự án hạ tầng công. Với những quy định chi tiết về nội dung và nguyên tắc ký kết, hợp đồng PPP đảm bảo tính minh bạch, công bằng và bền vững cho cả hai bên tham gia. Trên đây là một số thông tin về hợp đồng PPP giúp các bên liên quan có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn khi thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư. Tham khảo thêm nhiều thông tin tại https://hopdongdientu.net.vn/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*