Kê khai tài sản là gì? Đối tượng, phương thức và thời điểm kê khai tài sản?

Kê khai tài sản là gì, đây là một trong những biện pháp góp phần quan trọng vào quá trình phòng ngừa tham nhũng hiện nay. Để tìm hiểu một cách cụ thể hơn những vấn đề cơ bản về biện pháp kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật, đừng bỏ qua bài viết dưới đây từ Iasset.

1.Kê khai tài sản là gì?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định 130/2020/NĐ-CP, kê khai tài sản, thu nhập được đề cập như sau:

Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.

(Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP xem tại Đây)

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 33 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được đề cập như sau:

– Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.

– Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.


Kê khai tài sản là một trong những biện pháp góp phần quan trọng vào quá trình phòng ngừa tham nhũng hiện nay

Là một trong những giải pháp quan trọng, cần thiết trong công tác phòng ngừa tham nhũng, chính vì vậy, việc kê khai tài sản, thu nhập cần được đánh giá đúng đắn và thực thi một cách nghiêm túc, bài bản.

2. Những đối tượng và loại tài sản nào cần thực hiện kê khai?

Nắm được khái niệm về kê khai tài sản, chúng ta cũng cần biết được những đối tượng nào sẽ cần thực hiện công việc này theo quy định của pháp luật. Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng nêu ra các đối tượng và tài sản cần kê khai. Cụ thể như sau:

2.1. Đối tượng cần kê khai tài sản

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hướng dẫn tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP, quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 gồm:

  • Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.
  • Những người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số ngành lĩnh vực được nêu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
  • Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên.


Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một trong những đối tượng cần thực hiện kê khai tài sản

2.2. Tài sản cần kê khai

Những tài sản, thu nhập cần phải kê khai theo quy định tại Điều 35, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm có:

  • Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;
  • Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;
  • Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;
  • Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

3. Phương thức và thời điểm kê khai tài sản

Về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có đưa ra quy định cụ thể đối với kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ. 

3.1. Kê khai lần đầu

Những trường hợp dưới đây sẽ thuộc nhóm đối tượng thực hiện kê khai lần đầu: 

  • Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. 

Cụ thể gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp. 

Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thời gian muộn nhất phải hoàn thành việc kê khai là trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.

  • Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. 

Thời gian muộn nhất phải hoàn thành việc kê khai là 10 ngày tính từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

3.2. Kê khai bổ sung

Việc kê khai bổ sung cần được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai hằng năm.


Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên

3.3. Kê khai hằng năm

Việc kê khai theo định kỳ hằng năm cần hoàn thiện trước ngày 31/12 và được thực hiện với những trường hợp dưới đây:

  • Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. 
  • Người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. 

3.4. Kê khai phục vụ công tác cán bộ

Những trường hợp cần thực hiện kê khai phục vụ công tác cán bộ gồm: 

  • Cán bộ, công chức; Sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

Thời hạn hoàn thành: chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Thời điểm kê khai dựa trên quy định của pháp luật về bầu cử.

Việc kê khai tài sản, thu nhập của các cá nhân được thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào tiến trình minh bạch hóa hoạt động hệ thống công vụ nói riêng cũng như công tác phòng, chống tham nhũng nói chung.

Mọi thắc mắc và tư vấn thêm về tài sản cũng như phần mềm quản lý tài sản Iasset, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ: http://hopdongdientu.net.vn/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*