Tài sản là gì? Sự khác biệt giữa tài sản và hàng hóa, tài sản và tiêu sản?

Tài sản là gì? Đây là một thuật ngữ xuất hiện nhiều trong đời sống hằng ngày nhưng không phải ai cũng cắt nghĩa được khái niệm này. Về căn bản, tài sản được mọi người hiểu theo nghĩa bao gồm những vật có giá trị của cá nhân hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, cách hiểu này chưa xác định bản chất cụ thể của thuật ngữ tài sản. Vậy, tài sản là gì? Có mấy loại tài sản và sự khác biệt giữa chúng là gì?

1. Tổng quan về tài sản

Khái niệm “tài sản” được đề cập tới trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ thực tiễn đời sống đến khoa học pháp lý. Thuật ngữ “tài sản” được nhìn dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau nên khái niệm này xuất hiện đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan về tài sản, chúng ta nên căn cứ vào định nghĩa “tài sản” của Bộ Luật dân sự 2015.

1.1. Tài sản là gì?

Căn cứ Điều 172, Bộ Luật dân sự 1995 quy định về tài sản như sau:

“Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”

(Theo Điều 172, Bộ Luật dân sự 1995)

Bên cạnh đó, Khoản 1 và 2, Điều 105, Bộ Luật dân sự 2015 quy định tài sản được sửa đổi như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

(Theo Điều 105, Bộ Luật dân sự 2015)

Như vậy, quy định về tài sản của Bộ Luật dân sự 2015 và Bộ Luật dân sự 1995 đã có sự thay đổi từ “vật có thực” thành “vật” và Khoản 2 của Bộ luật. Theo đó, tài sản không chỉ là vật có thực mà còn là các loại vật khác nằm trong quan hệ pháp luật. Như vậy, khái niệm tài sản của Bộ Luật dân sự 2015 được hiểu theo nghĩa rộng hơn nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đời sống và giao dịch trong nền kinh tế.

1.2. Giải thích chi tiết thuật ngữ tài sản

Dựa vào sự so sánh giữa Bộ Luật dân sự 2015 và Bộ Luật dân sự 1995, Bộ Luật dân sự 2015 mở rộng hơn thuật ngữ “tài sản”. Chính vì vậy, chúng ta dựa vào khái niệm tài sản của Bộ Luật dân sự 2015 để giải thích chi tiết thuật ngữ này.

Vật là gì?

Có nhiều cách hiểu về vật khác nhau dựa trên mỗi góc nhìn riêng biệt. Theo nghĩa rộng, vật là đối tượng của thế giới vật chất, tồn tại khách quan bên ngoài và không phụ thuộc vào ý thức con người. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, vật tồn tại dưới nhiều trạng thái và hình thức khác nhau được Nhà nước và pháp luật ghi nhận. 

Tóm lại, hiểu theo nghĩa pháp lý, vật được coi là tài sản cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Có thể xác định được;
  • Có giá trị và được pháp luật thừa nhận;
  • Xác lập được quyền sở hữu;
  • Được con người sử dụng.

Ví dụ: vật trong quan hệ với tài sản như tivi, điện thoại, bình đựng nước, phần mềm điện tử,…

Giải thích thuật ngữ tài sản dựa trên Bộ Luật dân sự năm 2015- Ảnh minh họa

Tiền là gì?

Theo C.Mác: “Bản chất tiền tệ là thứ hàng hóa đặc biệt, độc quyền làm vật ngang giá chung, vật chung trong trao đổi hàng hóa. Vật biểu hiện quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội của con người trong xã hội hàng hóa”. 

Các nhà kinh tế thị trường thì cho rằng “Tiền tệ là bất cứ cái gì được chấp nhận chung trong việc thanh toán để nhận hàng hóa, dịch vụ, trong việc trả nợ”.

Tuy nhiên, Bộ Luật dân sự 2015 chỉ quy định tiền là một loại tài sản, không có khái niệm cụ thể về phạm trù này. Theo đó, ta có thể hiểu, tiền là thước đo có giá trị, là công cụ trong giao dịch thanh toán đa chức năng và được pháp luật thừa nhận thì gọi là tài sản.

Giấy tờ có giá là gì?

Căn cứ vào Điều 105, Bộ Luật dân sự 2015 quy định giấy tờ có giá là một loại tài sản. Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 8, Điều 6, Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 quy định như sau:

“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

(Theo Khoản 8, Điều 6, Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010)

Ngoài ra, căn cứ vào công văn 141/TANDTC-KHXX quy định một số giấy tờ có giá như:

  • Hồi  phiếu
  • Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu
  • Các loại chứng khoán…

Như vậy, giấy tờ có giá là một số loại giấy tờ có giá trị (như chứng cứ, bằng chứng…) nhằm xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá đó (như ngân hàng, tổ chức tín dụng,…) với người sở hữu giấy tờ có giá (như người vay nợ ngân hàng, vay tín dụng,…) trong thời gian nhất định. Các điều kiện về trả lãi, thời hạn và một số điều kiện khác nằm trong giấy tờ có giá.

Quyền tài sản là gì?

Căn cứ Điều 115, Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về quyền tài sản như sau:

“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.”

(Theo Điều 115, Bộ Luật dân sự năm 2015)

Theo đó, quyền tài sản toàn bộ các quyền đem lại kinh tế cho con người

Quyền tài sản có những loại sau:

  • Quyền đối vật và quyền đối nhân.
  • Quyền tài sản có thể chuyển giao và quyền tài sản không thể chuyển giao.
  • Quyền tài sản được thực hiện trên vật hữu hình, vô hình và hành vi con người.
  • Quyền tài sản phải đăng ký và quyền tài sản không phải đăng ký.

Động sản và bất động sản là gì?

Căn cứ Khoản 1 và 2, Điều 107, Bộ Luật dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.”

(Theo Khoản 1 và 2, Điều 107, Bộ Luật dân sự 2015)

Theo điều luật trên, động sản và bất động sản khác nhau ở đặc tính vật lý. Cụ thể, bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Động sản là những tài sản không thuộc bất động sản.

2. Sự khác biệt giữa các thuật ngữ có liên quan

Do sự phức tạp của thuật ngữ tài sản, nhiều người nhầm lẫn giữa với các khái niệm khác như tài sản và hàng hóa, tài sản và tiêu sản.

2.1. Tài sản và hàng hóa có gì khác nhau?

Theo định nghĩa của Karl Marx: “Hàng hóa là sản phẩm của lao động, thông qua trao đổi, mua bán có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất”. 

Sự khác nhau giữa tài sản và hàng hóa, tài sản và tiêu sản- Ảnh minh họa

Theo khái niệm trên, hàng hóa là sản phẩm do con người tạo ra có giá trị và giá trị sử dụng; tài sản gồm có vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản, bất động sản và động sản không gắn liền với lao động xã hội. Tóm lại, tài sản là phạm vi rộng hơn hàng hóa, hàng hóa là một phần của tài sản.

2.2. Sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản

Tiêu sản là khái niệm dùng để chỉ hoạt động trao đổi/mua bán, sử dụng tài sản mà mình có mua hàng hóa có giá trị tương tự nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân. Sau đó, tiếp tục sử dụng tài sản của mình để duy trì, bảo dưỡng hàng hóa ấy.

Ví dụ: Bạn bỏ tiền mua một chiếc điện thoại phục vụ mục đích của cá nhân, sau đó bạn lại phải bỏ tiền để duy trì nó như: sửa chữa, nâng cấp, nạp tiền điện thoại,…

Bên cạnh đó, tài sản là những thứ mình có, là những vật, giấy tờ có giá, tiền, quyền tài sản, động sản và bất động sản mà luật pháp quy định.

Kết luận

Như vậy, tài sản là gì bao gồm tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản, động sản và bất động sản. Mỗi thành phần trong khái niệm đảm nhiệm vị trí khác nhau. Bên cạnh khái niệm tài sản, mọi người cần phân biệt sự khác nhau giữa tài sản và hàng hóa, tài sản và tiêu sản. Trên đây là một số vấn đề liên quan đến tài sản mong đem lại thông tin hữu ích cho Quý bạn đọc

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*